14

Kỷ niệm ba năm ngày cưới, Đài Tuyết Kiều đưa tôi đến một hòn đảo để nghỉ dưỡng. Thế nhưng chưa kịp vui chơi được hai ngày, anh lại bị dị ứng vì lỡ ăn một ít mỳ Ý có bột hải sản. Phải nằm truyền nước trong bệnh viện, trông ủ rũ vô cùng.

Qua kiểm tra tổng quát, phát hiện anh có rất nhiều dị ứng nguyên, thêm cả bệnh đau dạ dày, đau đầu – mấy căn bệnh “kiêu kỳ” của hội thiếu gia.

Tôi nhìn tờ kết quả dài ngoằng, tặc lưỡi cảm thán:

“Người ta nói trên đời có bốn trăm bốn mươi loại bệnh, anh cố gắng thêm chút nữa là sưu tập đủ bộ rồi.”

Nghe vậy, hàng mi Đài Tuyết Kiều khẽ run lên, đôi má trắng trẻo dưới ánh hoàng hôn nhạt bỗng ửng đỏ.

“Anh đau ở đâu à?” Tôi hỏi.

Anh lắc đầu.

Tôi nhìn anh đầy nghi hoặc, nhớ đến món ăn đặc sản tôi học từ đầu bếp địa phương vẫn còn để ngoài kia, liền quay người đi lấy.

Cổ tay tôi bị nắm lại:

“Đi đâu vậy?”

Đài Tuyết Kiều, người đang yếu ớt vì bệnh, lúc này lại trở nên bám người đến lạ. Tôi bật cười, đưa tay xoa đầu anh như dỗ dành trẻ con:

“Đi lấy cơm mà.”

“À.”

Anh cố tỏ ra bình tĩnh, quay đầu nhìn ra ngoài cửa sổ, ánh mắt xa xăm hướng về hoàng hôn.

Đồ ăn ở đây phần lớn đều có hải sản, không có cô giúp việc, tôi đành tự nấu. Ai ngờ dù không dùng hải sản, món ăn lại có loại gia vị đắng đến mức khiến tôi như muốn thoát xác khi cắn phải.

Tôi bảo Đài Tuyết Kiều đừng ăn nữa, đợi một lát tôi sẽ nhờ khách sạn làm món mới.

Đúng lúc ấy, cô y tá nhẹ nhàng đến nhắc tôi mang giấy tờ của Đài Tuyết Kiều ra ngoài để ký vài văn bản cần thiết.

Ánh mắt Đài Tuyết Kiều thoáng ngẩn ra. Sau khi tôi hỏi anh ví ở đâu hai lần, anh mới chậm rãi chỉ vào chiếc áo khoác.

Ra ngoài, tôi mở ví của Đài Tuyết Kiều, tìm được giấy tờ, nhưng ánh mắt tôi bị thu hút bởi một tấm ảnh kẹp bên trong.

Đó là ảnh của tôi và Đài Tuyết Kiều hồi nhỏ. Bên cạnh vốn dĩ còn có Tề Minh, nhưng đã bị cắt đi không thương tiếc.

Tôi bật cười trước sự nhỏ nhen của anh, nhẹ nhàng rút tấm ảnh ra. Nó được bảo quản rất cẩn thận.

Ánh nắng miền Nam chói chang, chúng tôi khi đó bé nhỏ, mảnh mai, như một đôi búp bê mới được trưng trong lồng kính, ngây thơ và rực rỡ, khiến người ta mềm lòng. Phía sau tấm ảnh, là ảnh cưới của chúng tôi.

Khóe môi tôi không tự chủ được mà cong lên. Định đặt ảnh trở lại, tôi chợt nhìn thấy mặt sau của tấm ảnh có chữ viết.

Khi lật ra, tôi sững người.

Đó là những nét chữ non nớt, cứng cáp, lộ rõ sự sắc bén của tuổi trẻ.

“Bốn trăm bốn mươi bệnh, bệnh tương tư là khổ nhất.”

Người viết những chữ đầy gai góc như vậy, lại từng âm thầm chịu đựng mối tình đơn phương của mình.

Tai tôi nóng bừng, vội vã cất lại tấm ảnh vào ví, tình cờ liếc thấy một tấm gương tròn trong sảnh.

Trong gương là hình ảnh một người phụ nữ. Hoàng hôn mùa hạ lặng lẽ tràn vào hành lang, ánh sáng mơ màng, ảo diệu bò lên vai cô. Gương mặt cô ấy đỏ bừng, ngượng ngùng như một cô dâu mới.

(HẾT)

Scroll Up