Phòng tiếp khách và văn phòng nằm trên cùng một tầng. Không gian yên tĩnh, những người đi ngang cũng bước chân rất nhẹ.
Cô thư ký vừa thấy lúc nãy bê một khay cà phê, kẹp theo vài tập hồ sơ, gõ cửa văn phòng giám đốc. Nghe tiếng nam trầm khàn đáp lại, cô mới mở hé cửa.
Qua khe cửa thoáng thấy phong cách bài trí cổ điển, đúng kiểu của Ôn Kỳ Minh.
Nghe nói Lập Hưng là công ty anh lập ra cùng vài người bạn khi còn du học. Vài năm ngắn ngủi đã phát triển đến quy mô như hiện tại, trở thành biểu tượng của các startup kỳ lân.
Nghĩ đến đây, chí ít tôi cũng từng là một nhà đầu tư thiên thần.
(*Startup kỳ lân (unicorn startup) là thuật ngữ chỉ những startup được định giá trên 1 tỷ đô la. Kỳ lân là loài vật trong trí tưởng tượng của chúng ta, gắn liền với sự hiếm có. Tương tự, các startup kỳ lân đạt được mức định giá 1 tỷ đô trong 10 năm cũng chỉ chiếm 0,07% trên tổng số các công ty khởi nghiệp. Giá trị của “Startup Kỳ Lân” thường dựa trên cách các nhà đầu tư và nhà đầu tư mạo hiểm cảm thấy họ sẽ phát triển và thành công, vì vậy tất cả đều phụ thuộc vào dự báo dài hạn.*)
(*Nhà đầu tư thiên thần (tiếng Anh là angel investor) hay còn được gọi là nhà đầu tư hạt giống. Đây là một cá nhân hoặc tổ chức có giá trị tài sản lớn. Họ thường hỗ trợ tài chính cho các công ty start-up hoặc công ty nhỏ với mục đích đổi lấy vốn sở hữu của công ty. Đầu tư thiên thần là một loại hình đầu tư vốn cổ phần tư nhân. Trong đó các nhà đầu tư có giá trị ròng cao cố gắng kiếm lợi nhuận lớn hơn bằng cách chấp nhận rủi ro nhiều hơn so với đầu tư vào thị trường đại chúng.*)
Thái Húc đưa cho tôi một cốc nước:
“Tôi đi trước, lát nữa sẽ có người đến trao đổi kỹ hơn với cô.”
Tôi gật đầu.
Qua cửa kính sát đất, ánh đèn rực rỡ lấp lánh. Thành phố phồn hoa, ngày thường như muốn thiêu đốt tôi, giờ nhìn từ độ cao trăm mét trong không khí mát lạnh của điều hòa, lại hiện ra đầy sức sống và quyến rũ.
Hoàng hôn bên ngoài rực rỡ mà dịu dàng, như gợi nhắc về những buổi chiều xưa cũ.
Năm ấy, trong quãng thời gian tình cảm ngây thơ nhất, Ôn Kỳ Minh đã dùng hết tiền tiết kiệm mấy tháng để về nước tìm tôi. Anh đặt một phòng suite sang trọng tại khách sạn có tầm nhìn đẹp nhất bên bờ sông, chỉ để tạo một kỷ niệm đáng nhớ.
Khi nhận số phòng, tôi mơ hồ nghĩ rằng anh cuối cùng đã hiểu, muốn làm điều gì đó thật lãng mạn. Tôi thậm chí còn chuẩn bị sẵn, mặc một bộ đồ ngủ quyến rũ, khoác thêm chiếc áo choàng ngoài, háo hức bước vào.
Thế nhưng, khi cánh cửa mở ra, trước mắt tôi là một căn phòng đầy bóng bay được trang trí cho sinh nhật. Ánh hoàng hôn len qua cửa sổ, phủ lên mọi thứ một sắc vàng mơ màng. Ôn Kỳ Minh đứng đó, trong bộ mascot hình con ếch vụng về, đối diện với tôi – trong bộ đồ khiến cả căn phòng như ngừng thở.
Tôi sững người, bỗng tự hỏi liệu mình có nghĩ quá đơn giản về anh. Khuôn mặt Ôn Kỳ Minh đỏ bừng, đến mức như muốn bốc cháy. Anh lúng túng khoác lại áo choàng cho tôi, giọng lắp bắp bảo tôi thổi nến.
Sinh nhật năm tôi hai mươi hai tuổi, ngoài cửa sổ là ánh hoàng hôn tím khói đẹp đến mê mẩn. Ôn Kỳ Minh không nói gì nhiều, nhưng nét trưởng thành của anh lúc đó lại hiện rõ.
Cậu thanh niên ngày nào đã lớn, giờ đây là một chàng trai với lớp râu lún phún cọ nhẹ vào cổ tôi, gây cảm giác vừa nhói vừa lạ. Và hơn cả, là sự thiếu kiềm chế trong ánh mắt anh.
“Đến sinh nhật của mình cũng quên… lại còn nghĩ anh là loại người như vậy.”
Giọng anh trầm, khàn đi vì hơi thở gấp gáp. Tôi ngồi trên đùi anh, cười nhẹ:
“Anh nhớ là được rồi.”
Anh không đáp, chỉ im lặng nhìn tôi. Một lúc sau, anh nắm lấy tay tôi, khẽ áp lên môi, giọng nói nhỏ như lời thề.
“Sẽ luôn nhớ.”
Không ngờ, chính năm ấy, mọi thứ lại thay đổi mãi mãi.
——-
Tiếng gõ “cốc cốc” vang lên, tôi giật mình trở về thực tại.
Không biết từ khi nào Ôn Kỳ Minh đã xuất hiện. Anh gõ nhẹ lên mặt bàn, nét mặt lộ vẻ khó chịu. Thấy tôi tỉnh táo lại, anh mới giấu đi vẻ bực dọc. Ngả người ra ghế sofa, tay chậm rãi lắc ly rượu.
“Cô Lý, nếu đây là thái độ của cô khi bàn chuyện bồi thường, tôi nghĩ không cần nói gì thêm nữa.”
Người trước mắt và gương mặt trong ký ức dần hòa làm một, nhưng biểu cảm thì hoàn toàn trái ngược.
Tim tôi run rẩy không kiểm soát.
Lý trí bảo tôi nên xin lỗi, nói vài lời mềm mỏng. Nhưng cả người như hóa gỗ, chẳng thể nói được gì.
Tôi cúi đầu, hít thở sâu. Ôn Kỳ Minh quay mặt đi, uống cạn ly rượu. Tiếng chiếc ly thủy tinh đặt mạnh xuống bàn vang lên chát chúa.
“Tôi mười lăm phút nữa có cuộc họp, cô chỉ có mười phút. Nói rõ tình hình, và cho tôi một lý do để giảm bớt khoản bồi thường.”
“Tôi sẽ bồi thường.”
Tôi bật dậy, cố kiềm nén tiếng nấc.
“Hết bao nhiêu thì tôi đền bấy nhiêu, khi nào có hóa đơn thì liên lạc.”
Tôi run rẩy, chân tay như mất hết sức lực, loạng choạng bước ra khỏi cửa.
Thật sự rất thảm hại.
Trong ánh mắt thoáng qua, khuôn mặt Ôn Kỳ Minh trống rỗng, như mất tập trung, hiện lên nét bối rối lúng túng, lại như một đứa trẻ không biết phải làm gì.
3.
Điều hòa chỉnh nhiệt độ xuống 16 độ, tôi nằm dài, vừa ngấu nghiến bia và đồ nướng. Ba ngày trôi qua, ngủ lăn lóc ở nhà, vẫn không thấy hóa đơn bồi thường đâu.
Tôi đã nói với Thái Húc là không giao hàng nữa, cũng phần vì muốn giữ chút thể diện.
Bình tĩnh ngẫm lại mấy ngày, thấy mọi chuyện cũng chẳng sai. Yêu ai yêu cả đường đi, ghét ai ghét cả tông ti họ hàng. Ôn Kỳ Minh – người mà tôi đã muốn cắt đứt mọi liên hệ – giờ có thể ngồi trên xe sang, xuất hiện ở bất kỳ ngã tư nào, rồi bị tôi đâm xe trong lúc đi giao hàng.
Nghĩ đến cảnh đó thôi cũng đã thấy xấu hổ đến mức không chịu nổi.
Tôi kiểm tra lại toàn bộ tài sản. Những món đồ nội thất còn mới, tôi đem đăng bán trên mạng. Tính toán kỹ, trừ đi khoản tiền bồi thường dự phòng, chắc cũng còn lại hơn ba mươi nghìn.
Giao hàng ở Bắc Thị thực sự không dễ dàng. Thu nhập chẳng cao hơn nơi khác là bao, nhưng tôi vẫn như dính chặt ở đây không rời, lý do duy nhất chính là vì ba tôi.
Ông đang thụ án ở nhà tù Bắc Thành, còn hai năm nữa mới mãn hạn.
Mỗi lần gửi đồ vào trại cho ông, tôi đều phải dành ra một khoản làm sinh hoạt phí. Số tiền còn lại, chắt chiu để tự xoay xở cho bản thân.
Tôi hổn hển đóng gói hành lý thì điện thoại rung. Đầu dây bên kia, một giọng nói dò hỏi cất lên:
“Alo, có phải Lý Hiện Du không?”
Giọng nữ vừa lạ vừa quen, khiến tôi mất vài giây để nhận ra:
“Trịnh Như Vân?”
Cô ấy tỏ vẻ bất ngờ, rồi thở phào nhẹ nhõm:
“Lâu lắm rồi không liên lạc, tôi cứ nghĩ cậu quên tôi rồi chứ.”
Hồi đại học, tôi từng ở chung phòng với cô ấy. Bạn cùng phòng không kỳ quặc như những câu chuyện trên mạng vẫn kể. Có người dễ chịu, có người khó gần, Như Vân thuộc dạng dễ chịu.
Chúng tôi không quá thân thiết, chỉ có thể nói là mối quan hệ khá ổn. Khi tôi còn nhiều tiền, cô ấy cũng có. Đến lúc tôi sa sút, trở thành trò cười cho người khác, cô ấy vẫn giữ thái độ bình thường, giống như một kiểu giao tình quân tử.
Khi trầm cảm, tôi đã cắt đứt liên lạc với tất cả mọi người.
Bây giờ, bất ngờ nhận được cuộc gọi từ cô ấy, tôi không khỏi ngạc nhiên, không biết cô ấy có chuyện gì.
“Đúng là lâu rồi không gặp. Sao lại nhớ đến tôi vậy?” – Tôi hỏi.
Dựa vào gia cảnh của cô ấy, chắc không phải sắp cưới rồi muốn mời tôi.
“Ôn Kỳ Minh… cậu từng quen anh ấy đúng không?”
Cô ấy nói:
“Hôm nay anh ấy tìm tôi hỏi về cậu. Tôi nghĩ đây là chuyện riêng của cậu, nói hay không là tùy ý cậu.”
Tôi không đáp, Như Vân liền tự mình tiếp tục.
“Tháng sau là kỷ niệm ngày thành lập trường. Hôm qua trường tổ chức một buổi gặp mặt cho các cựu sinh viên, và Ôn Kỳ Minh cũng có mặt. Anh ấy hỏi thăm về cậu, làm tôi giật cả mình. Tôi còn tưởng hai người kết hôn lâu rồi. Trước đây hai người tình cảm tốt thế cơ mà. Chia tay từ bao giờ vậy?”
Những lời của Trịnh Như Vân khiến tôi sững người, một cơn sóng ký ức ùa về.
Hồi đại học, tôi và Ôn Kỳ Minh từng học chung một thời gian ngắn. Chúng tôi giữ kín mối quan hệ, người ngoài không ai biết. Một đàn anh sắp tốt nghiệp và một đàn em mới nhập học mập mờ không rõ ràng, bị người ta soi mói cũng chẳng có gì lạ.
Sau đó, anh đi du học, nhưng cứ vài ba ngày lại tìm cách về thăm tôi. Một lần, tôi tình cờ nghe được bạn cùng phòng đùa rằng anh là “trâu già gặm cỏ non.”
Chuyện này với anh không phải nhỏ nhặt.
Hôm đó, anh trốn trong nhà tắm đứng trước gương cả buổi, không chịu ra ngoài. Tôi lo lắng, nghĩ anh bị hơi nước làm choáng nên mở cửa vào xem. Ai ngờ, anh đang cạo râu, mặt đầy bọt trắng.
Thấy tôi bước vào, anh hoảng hốt đến đỏ mặt. Khuôn mặt bị nước lạnh rửa qua, làn da hơi ửng đỏ, tôi không nhịn được mà hôn một cái, cảm giác mát lạnh dễ chịu.
Tôi kéo anh về phòng, nhất quyết bắt anh thử bộ vest mới mua. Anh nghiêm mặt từ chối, ánh mắt đầy bất lực khi nhìn đống cà vạt, kẹp áo và cả còng tay tôi bày ra trên bàn.
“Không mặc đâu!” — anh nghiến răng, quay đầu đi.
“Người ta bảo anh là ông già mặc đồ sặc sỡ.”
Tôi ôm chăn cười lăn lộn, nhưng cuối cùng vẫn ép được anh mặc vào.
Năm mười bảy tuổi, lần đầu gặp, Ôn Kỳ Minh là chàng trai nhẫn nhịn, rụt rè.
Năm hai mươi tư tuổi, anh học cách cam chịu, để tôi muốn làm gì thì làm.
Tôi từng nghĩ mình hiểu anh như hiểu chính bản thân.
Nhưng Ôn Kỳ Minh ở tuổi hai mươi chín – người đàn ông mà Trịnh Như Vân nhắc đến, lại là một con người xa lạ với tôi.
……
“Từ khi nào lại chia tay ấy hả… tôi cũng chẳng nhớ rõ nữa.”
Tôi trả lời qua loa, cố ý chuyển chủ đề:
“Anh ấy hỏi cậu gì về tôi thế?”
Trịnh Như Vân ngập ngừng, suy nghĩ một lát rồi đáp:
“Thật ra cũng không hỏi nhiều lắm. Chỉ hỏi cậu sau tốt nghiệp còn liên lạc với bọn tôi không, rồi hỏi xem có biết cậu đang ở đâu không.”
Tim tôi chợt thắt lại. Tôi bình tĩnh hỏi tiếp:
“Cậu nói sao?”
“Tôi nói cậu sức khỏe không tốt, nghỉ một thời gian, sau đó bỏ học. Những chuyện khác thì không rõ.”
Cô ấy ngừng một chút, rồi tiếp lời:
“Thôi, đừng nhắc chuyện này nữa. Cậu rảnh không? Ra ngoài gặp nhau đi. Nhân tiện trường mình kỷ niệm ngày thành lập, nhiều cựu sinh viên giỏi giang cũng về, hay lắm.”
“Không đâu.” – Tôi khẽ đáp.
“Tôi định vào Nam, giờ đang bận chuyển nhà.”
“Thế thì càng phải đi. Bao năm nay cậu không chịu liên lạc với tôi, ít nhất cũng gặp một lần đi chứ. Hội đồng hương ở phía Nam nhiều lắm, tôi sẽ giới thiệu cho cậu mấy người hữu ích.”
Cô kéo, tôi đẩy.