Ngày hoàn tất thủ tục, tôi đến nhà mẹ ăn cơm.
Từ khi bà tìm được công việc ổn định và giành lại tôi từ tay gia đình Thẩm khi tôi lên tám tuổi, chúng tôi nương tựa vào nhau mà sống.
Vì tôi, bà không tái hôn.
Thấy tôi đến một mình, bà trách yêu sao không dẫn Phó Niệm Thâm theo.
Tôi đoán nếu nói thật là đã ly hôn, bữa cơm này sẽ chẳng thể nào ăn ngon lành được nên tôi chỉ bảo Phó Niệm Thâm bận việc tiếp khách, lần sau sẽ đến thăm.
Mẹ gật gù, rồi căn dặn chúng tôi mau chóng có một đứa con.
Bà nắm chặt tay tôi, nói đầy tâm tình:
“Vãn Vãn, có phải Niệm Thâm ngại chuyện sinh con không?”
“Trước đây còn bảo chưa phải lúc, giờ cậu ấy đâu còn lý do để trốn tránh nữa!”
Nhìn mẹ vừa thấp thỏm lo âu vừa e dè như thế. Tôi chợt nhận ra rằng…
Nếu cứ tiếp tục cuộc hôn nhân với Phó Niệm Thâm, tôi cũng sẽ trở thành người giống mẹ mình mất.
Không chút an tâm, lo lắng không yên, chỉ muốn có một đứa con để bấu víu.
Tôi chỉ nhàn nhạt đáp:
“Không ai nói không muốn, cũng không ai nói muốn. Thuận theo tự nhiên thôi.”
7
Thật sự nghĩ lại thì…Kết hôn bao nhiêu năm, tôi và Phó Niệm Thâm chỉ nói chuyện về con cái một lần duy nhất.
Trong căn phòng trọ đơn sơ, anh ôm chặt lấy tôi, giọng nói đầy nén nhịn.
“Vãn Vãn, anh đã hứa rằng sau khi cưới, sẽ không để em chịu khổ cùng anh.”
“Bây giờ anh không có thời gian chăm sóc em, anh không nỡ để em sinh con.”
Tôi nghĩ ngợi rồi gật đầu đồng ý.
Khi đó, anh còn rất trẻ, xấu hổ gãi gãi mũi.
“Nếu khởi nghiệp thất bại, ít nhất em vẫn có lựa chọn.”
Nghe vậy tôi tức điên lên, nắm lấy tai anh mắng:
“Hay lắm, Phó Niệm Thâm, là ai nói sẽ mãi bên nhau, bạc đầu giai lão hả!”
“Thất bại? Giờ không phải anh đang ở tận đáy rồi sao? Hay là để em chọn lại một lần nữa nhé?”
Anh vội giơ tay đầu hàng:
“Đừng đừng, Vãn Vãn, anh sai rồi.”
Rồi anh lại cúi xuống hôn tôi thật sâu:
“Ý anh là em hiểu mà. Cái gì cũng được, chỉ là không muốn em chịu khổ.”
Tôi vừa khóc vừa cười ôm chặt lấy anh:
“Không khổ đâu, em không phải loại vợ tảo tần đâu. Sau này anh thành đạt rồi em cũng không thiệt thòi.”
Anh nghiêm túc gật đầu:
“Đúng! Không hổ là người phụ nữ anh chọn.”
Nhưng cuối cùng, anh vẫn khiến tôi phải chịu thiệt thòi.
…
Năm năm trước, người đầu tiên khiến tôi nảy ra ý nghĩ ly hôn là vợ của đối tác anh, bà Trần.
Khi ấy công ty của họ vừa khởi sắc, nhận được một khoản đầu tư lớn, cảm giác chẳng khác gì người nghèo bỗng nhiên có tiền.
Ông Trần là người đầu tiên động lòng, tìm một cô nhân tình bên ngoài, hăm hở muốn chia cổ phần để đổi lấy cuộc sống tự do tự tại.
Do hai nhà hợp tác làm ăn nên mối quan hệ của tôi và bà Trần khá thân thiết.
Những năm khởi nghiệp, bà Trần thấy tôi không làm ở công ty mà đi làm MC cho các chương trình giải trí trên đài phát thanh, liền cười trêu chọc tôi:
“Hướng Vãn, chưa thấy ai vô tư như em, công ty đang cần người mà.”
Tôi từ chối:
“Lúc khởi nghiệp là lúc khó khăn nhất, em chịu khổ không nổi.”
“Em không sợ sau này công ty phát triển rồi thì Niệm Thâm không nhớ đến ơn của em à?”
Bà khuyên tôi nên tạo chút dấu ấn trước khi công ty lớn mạnh, để sau này vị trí Phó phu nhân cũng thêm phần chắc chắn.
Tôi điềm nhiên trả lời:
“Anh ấy nghèo em không chê, sau này giàu lên em cũng không tự ti.”
Tôi thật sự bình thản mà chấp nhận.
Tuổi thơ đã dạy tôi chán ghét việc hi sinh bản thân, chăm chỉ chịu đựng để rồi cuối cùng chẳng còn gì.
Tôi đã không còn đặt niềm tin vào hôn nhân từ sớm. Nếu không vì Phó Niệm Thâm, có lẽ cả đời này tôi sẽ không kết hôn.
Vả lại…
Tôi nói thêm:
“Em không gây áp lực, không càm ràm anh ấy, để anh ấy tự do chính là sự ủng hộ lớn nhất cho anh ấy rồi.”
Người đàn ông như Phó Niệm Thâm, không cần một người phụ nữ giúp sức mới thành công được.
Bà Trần chỉ biết lắc đầu bất lực, dùng giọng điệu của người từng trải mà khuyên bảo.
“Vãn Vãn, em còn trẻ nên chưa hiểu đâu, sau này sẽ biết.”
Tôi chỉ cười mà không đáp.
Tôi biết rằng, trong hôn nhân, ngoài bản thân mình ra, không ai có thể mang lại cảm giác an toàn.
Tôi chỉ mong nếu một ngày phải ly hôn, cảm giác ấm ức, bất công của mình sẽ ít đi đôi chút.
Tất cả những điều này đều là bài học xương máu mà tôi học được từ mẹ tôi và Giang Linh.
Thực ra, khi đó tôi vẫn chưa nghĩ đến chuyện ly hôn. Mãi đến khi chuyện ông Trần có bồ nhí lan truyền khắp nơi….
8
Vợ chồng ông Trần và bà Trần, từng đồng cam cộng khổ, vậy mà bây giờ phải kéo nhau ra tòa.
Cô bồ nhí của ông Trần, cũng giống như Giang Linh, không muốn bà Trần có phần tài sản nào.
Hai người họ từ lâu đã ngầm phòng bị bà ấy.
Ban đầu, ông Trần rút cổ phần ra để đổi thành tiền mặt, sau đó giả vờ như công ty “phá sản”.
Phó Niệm Thâm khi ấy bị bà Trần nhờ vả làm người hòa giải.
Anh cũng bất lực nói với tôi rằng, ông Trần thực ra đang chuyển tài sản trước khi ly hôn.
Bà Trần phản ứng quá chậm.
Thực ra dấu hiệu ông Trần ngoại tình đã có từ lâu. Chỉ là bà ấy bận rộn công việc ở công ty, mải mê phát triển mà quên để ý đến “lửa” cháy sau lưng.
Ngày tuyên án, tôi và Phó Niệm Thâm cũng có mặt.
Bà Trần ở tòa gào khóc, kể mình đã hy sinh vì chồng thế nào, chửi ông là kẻ vô ơn, bạc tình. Nhưng tiếc thay, những lời đó chẳng có giá trị trước tòa.
Nó không đem lại bất kỳ lợi thế nào cho bà ấy. Dù bà ấy có cố gắng bao nhiêu, người đàn ông đã không còn yêu thì chỉ cho bà một chút vụn vặt từ kẽ tay.
Sau phiên tòa, bà Trần tiều tụy đến gặp tôi chào từ biệt, nói không còn mặt mũi nào đối diện với tôi.
“Hướng Vãn, đừng giống như chị, khi anh ấy còn yêu em thì hãy sớm buông tay. Đừng đợi đến khi tình yêu hết, chỉ còn lại sự tính toán từng đồng từng cắc với em thôi.”
Cầm phần tài sản mỏng manh ấy, bà rời khỏi Giang Thành, từ đó không còn xuất hiện nữa. Còn ông Trần và cô bồ thì thành đôi, hưởng thụ cuộc sống vui vẻ.
…
Thời gian đó, tôi ủ dột, tinh thần suy sụp hẳn. Phó Niệm Thâm tranh thủ đưa tôi đi du lịch nước ngoài.
Trên máy bay, chúng tôi ngồi sát bên nhau, trò chuyện rất lâu.
“Vãn Vãn, thực ra chúng ta đều biết từ trước rằng Trần Kiều đã không còn yêu Vương Nam nữa, phải không?”
Anh nghĩ tôi chỉ đang làm quá mọi chuyện sao?
“Anh thấy những gì Trần Kiều làm là đúng sao?” Tôi hỏi.
Phó Niệm Thâm mệt mỏi xoa xoa trán:
“Vãn Vãn, anh không có ý đó. Chỉ là chuyện tình cảm vốn không thể phán xét, việc Trần Kiều chuyển tài sản là hợp pháp.”
Lúc đó tôi hiểu rằng Phó Niệm Thâm đã hoàn toàn trở thành một thương nhân tinh ranh, lạnh lùng.
“Vãn Vãn, em đang lo lắng điều gì? Sợ anh sẽ giống Trần Kiều à?”
Trước khi xuống máy bay, anh đùa cợt, véo nhẹ má tôi.
Tôi thuận thế nói lại:
“Ừ, sợ anh hết yêu em rồi không cho em một xu nào.”
Anh ôm tôi thật chặt vào lòng, cười khàn khàn:
“Sẽ không đâu, Vãn Vãn.”
Không đâu là không bao giờ hết yêu, hay không đâu là không bao giờ để em trắng tay?
Tôi không hỏi, chỉ hờn dỗi nói:
“Vậy nhé, sau này em sẽ rời đi vào lúc anh yêu em nhất, em sẽ lấy cả tình yêu và tiền bạc của anh đi!”
Phó Niệm Thâm nhìn tôi đầy cưng chiều:
“Được, tất cả đều cho em. Vậy đừng buồn nữa nhé, được không?”
“Được chứ.” Tôi cười lớn.
Khoảnh khắc đó, tôi đã quyết định rồi, nếu có ngày đó thật, tôi sẽ là người quay lưng trước.
Và cuối cùng, tôi đã làm được.
Hồi tưởng lại chuyện này, bữa cơm của tôi cũng vừa xong. Tôi chuẩn bị thú nhận với mẹ rằng mình đã ly hôn.
Mẹ vừa đứng dậy dọn dẹp chén bát vừa thở dài trách tôi không nghe lời người lớn, để rồi khổ.
“Cứ nghe mẹ, mau sinh một đứa cho ổn định lại đi.”
“Bây giờ sinh con, lỡ sau này anh ta thành đạt, mẹ nghĩ có thể nhờ vả gì được không?”
Mặt mẹ tái nhợt, môi run run:
“Con…”
Tôi cũng thấy lòng mình đau nhói, nhẹ nhàng nói:
“Mẹ, con xin lỗi.”
Mẹ nhìn tôi một lúc lâu, rồi gạt nước mắt:
“Là mẹ không bảo vệ con được, chỉ mong con tự biết giữ mình.”
Vâng, con biết, con còn biết rõ hơn ai hết.
“Mẹ, con ly hôn rồi. Không cần lo những chuyện này nữa.”
Tôi lấy giấy chứng nhận ly hôn ra.
Mẹ sững sờ nhìn tôi, giật lấy xem rồi lảo đảo, ngón tay run rẩy chỉ vào tôi.
“Hướng Vãn! Con muốn làm mẹ tức chết đúng không? Ly hôn, con giỏi quá nhỉ! Niệm Thâm chiều chuộng con đến mức không còn biết gì nữa phải không?”
Tôi cười nhạt:
“Mẹ, đợi đến khi anh ấy không chiều con nữa thì đã quá muộn rồi.”
Mẹ đấm ngực than trời một tiếng.
Tôi tự mở một chai rượu:
“Mẹ khóc gì chứ, con may mắn hơn mẹ, anh ấy chia cho con hơn nửa gia tài.”
“Vậy hả, con hài lòng rồi nhỉ?!”
Tôi gật đầu:
“Đúng vậy, con rất hài lòng.”