6
Sau buổi tiệc chào đón tân sinh viên, nhóm bạn của phí Cẩn tổ chức ăn mừng cho hoa khôi và kéo tôi cùng tham gia.
Trong suốt bữa ăn, Phí Cẩn không hề nhìn tôi.
Tôi cố ý nhìn cậu ấy, nhưng cậu ấy lại tránh ánh mắt của tôi.
Nhưng khi nhóm bạn định ép tôi uống rượu, tay cậu ấy lại chặn trước mặt tôi, mặt lạnh lùng nói: “Cô ấy bị đau dạ dày, không uống được.”
Nhóm bạn ngạc nhiên, rồi cười đùa cho qua chuyện.
Tôi thấy ánh mắt lạnh lùng của hoa khôi hướng về phía mình.
Bên ngoài, tôi giữ vẻ bình thản, nhưng trong lòng trào dâng nhiều cảm xúc.
Lúc nào cũng vậy, mỗi khi tôi định rời xa cậu ấy, cậu ấy lại thể hiện chút quan tâm, kiểu “bạn bè” không nói ra lời.
Còn tôi, như một kẻ khát nước giữa sa mạc, thấy trước mắt có ốc đảo thì lại vội vã tiếp tục hành trình.
Nhưng ốc đảo đó mãi mãi chỉ là ảo ảnh.
Sau hơn mười năm, cuối cùng tôi cũng hiểu rõ sự thật này.
7
Tôi bắt đầu cố tình giảm tần suất trả lời tin nhắn của Phí Cẩn, và khi cậu ấy tìm tôi, tôi không còn xuất hiện ngay lập tức mà viện cớ bận làm bài hay tham gia hoạt động.
Phí Cẩn có lẽ đã nhận ra điều gì đó, hoặc là cậu ấy mất kiên nhẫn, tóm lại, cậu ấy cũng dần ít liên lạc với tôi.
Nhưng tôi dường như trải qua một kiểu “cai nghiện” đầy đau đớn.
Tôi ăn không ngon, thỉnh thoảng còn bị mất ngủ.
Mỗi khi điện thoại reo, tôi lập tức cầm lên xem có phải là tin nhắn từ cậu ấy không.
Cảm giác vừa mong đợi vừa sợ hãi ấy khiến tôi khổ sở vô cùng.
Cuối cùng, vào một ngày vội vã chạy ra khỏi ký túc xá để đi học, tôi va vào một người, ngã nhào xuống đất, đầu quay cuồng, thậm chí ù tai một lúc.
Cô gái bị tôi va phải kéo tay tôi, lo lắng hỏi: “Cậu không sao chứ?”
Tôi ngẩng lên nhìn.
Diệp Sơ.
8
Diệp Sơ đã nhảy một lớp, giờ là đàn chị của chúng tôi.
Tôi hỏi chị ấy có nhớ chuyện Phí Cẩn từng thích thầm chị ấy không, chị ấy cười nói: “Lâu quên rồi.”
Rồi đột nhiên chị ấy hỏi: “Còn em, sao rồi, vẫn thích cậu ấy chứ?”
Tôi ngạc nhiên, cười khổ: “Không ngờ em lại thể hiện rõ đến vậy.”
Chị ấy gật đầu, “Người không biết chỉ có thể nói là cậu ấy đang giả ngốc thôi.”
Tôi nhìn vào ly cà phê, đăm chiêu một lúc rồi nói: “Em đã quyết định rời xa cậu ấy rồi.”
“Tốt,” chị ấy uống hết ly cà phê, “sớm bắt đầu cuộc sống mới. Nói đến đây, Quan Quan, em có muốn làm người mẫu không?”
Tôi ngạc nhiên nhìn chị ấy, cảm giác như chị ấy đang đùa.
Người mẫu, đâu phải chỉ cần cao là có thể làm được?
Phí Cẩn từng nói mặt tôi trông như thể người khác nợ tiền tôi, không phải là không có lý do.
Từ nhỏ, họ hàng, người lớn xung quanh vẫn thường nói tôi có “mặt cá trê,” mắt tuy không nhỏ nhưng phần tròng trắng nhiều hơn tròng đen, nhìn vào đã thấy không mấy thiện cảm.
Vào dịp Tết, khi những đứa trẻ nhà họ hàng cười rạng rỡ, các bậc trưởng bối sẽ lập tức vốc một nắm kẹo đưa cho chúng. Còn tôi, chỉ đứng lặng lẽ một bên, chờ đến khi kẹo trong hộp chia xong hết, người lớn mới vội vàng dúi cho tôi hai ba viên.
Có lần, một bạn học đã nói thẳng với tôi: “Nhìn cậu là thấy u sầu rồi. Không thể cười nhiều hơn chút được sao?”
Tôi gượng cười, còn cô ấy thì khoa trương ôm mặt: “Thôi đi, tôi sợ đến nỗi trà sữa cũng không chữa nổi!”
Lâu dần, tôi chỉ còn lại một biểu cảm – là khuôn mặt không chút cảm xúc.
Như lúc đối diện với những kẻ bắt nạt thời thơ ấu, hay những trưởng bối chê tôi có gương mặt “cá trê,” tôi giữ khuôn mặt không cảm xúc, không phản hồi, mặc cho họ nói hay làm gì, tôi cũng chẳng đáp lại.
Như thế, họ sẽ dần phớt lờ tôi.
Nhưng có những lời, một khi nghe qua rồi, mãi mãi không thể nào quên được.
Vì vậy, dù học nghệ thuật, suốt bao nhiêu năm nay, tôi hiếm khi trang điểm cho mình.
Tôi sợ phải đối diện với khuôn mặt này.
9
Diệp Sơ không nói hai lời, kéo tôi đến studio của chị ấy.
Chị và bạn mở một cửa hàng thời trang thiết kế nữ trực tuyến, giờ đây đã là một trong những thương hiệu hàng đầu với hàng trăm ngàn người theo dõi trên một ứng dụng mua sắm.
Người bạn làm chuyên gia trang điểm của chị ấy bắt đầu chăm chút cho khuôn mặt tôi, sau đó Diệp Sơ đưa tôi một mẫu trang phục mới trong bộ sưu tập mùa này để thay.
Khi tôi bước ra từ phòng thay đồ, hai cô gái trước mặt đang khoác vai nhau.
Diệp Sơ ngẩng đầu về phía bạn mình, nói: “Người tớ chọn đấy, sao nào?”
Bạn chị đưa cây kẹo mút lên miệng, vỗ tay không ngớt: “Xuất sắc, hoàn hảo!”
Lúc ấy, tôi mới quay lại nhìn vào gương.
Trang phục của Diệp Sơ không phải kiểu ngọt ngào đáng yêu, mà là một bộ váy đen mang phong cách Gothic, với những chi tiết tinh tế ở xương quai xanh và eo.
Cô gái trong gương có làn da trắng lạnh, đôi mắt dài sắc sảo lộ ra nét lạnh lùng nhưng cũng gợi lên vẻ quyến rũ cuốn hút.
Tôi chưa từng nhìn thấy một phiên bản như vậy của chính mình.
Diệp Sơ gọi phong cách của mình là “Gothic quyến rũ, đầy hoài nghi.”
Tôi không nhịn được mà đảo mắt.
Thấy biểu cảm của tôi, chị ấy liền bắt tôi làm lại cái nhíu mày ấy cho chị xem.
Chị ấy quay sang khoe với bạn mình: “Thấy không, có phải rất có cảm giác không?”
Bạn chị ấy còn phấn khích hơn, hét lên với tôi: “Em gái, giữ nguyên kiểu đó nhé, lát nữa khi nhiếp ảnh gia đến thì cứ làm vậy nhé.”
Trong lúc hai người đang rộn ràng, có người nhẹ nhàng gõ cửa phòng studio.
Chị trang điểm nheo mắt đầy vẻ vui sướng: “Đến rồi.”
Chị mở cửa, một chàng trai bước vào.
Anh ấy có đôi mắt to trong sáng, làn da trắng mịn, nhìn dịu dàng và thoáng qua là một nụ cười ấm áp như gió xuân tháng Tư.
Anh ấy lễ phép chào Diệp Sơ và bạn chị ấy, ánh mắt đảo quanh phòng rồi dừng lại ở tôi. Anh ấy đưa tay ra, “Xin Chào, tôi là Lâm Chi Chu.”
10
Diệp Sơ kéo anh ấy lại giới thiệu với tôi: “Em trai chị, Lâm Chi Chu, nhiếp ảnh gia hôm nay. Đừng ngại nhé, có gì cứ nói. Nếu nó khiến em mệt, cứ bảo chị.”
Chị trang điểm che miệng cười, còn Diệp Sơ dường như không nhận ra mình vừa nói có chút hàm ý.
Nhưng Lâm Chi Chu thì đỏ mặt, nhìn tôi rồi vội quay đi, ngượng ngùng mỉm cười ngăn chị mình lại.
Tôi nhận ra, khi cười anh ấy có một chiếc răng khểnh dễ thương.
Lâm Chi Chu trông có vẻ còn nhỏ tuổi hơn tôi, nhưng ảnh chụp của anh ấy thì vượt xa các sinh viên chuyên ngành nhiếp ảnh trong trường tôi.
Phong cách của anh ấy cũng khác hẳn với các nhiếp ảnh gia khác. Thông thường, các nhiếp ảnh gia sẽ cố gắng khích lệ người mẫu cười nhiều hơn hoặc gợi ý các góc độ, tư thế khác nhau.
Tôi rất sợ kiểu khích lệ như vậy, vì nó tạo cảm giác áp lực, như thể tôi sẽ không đáp ứng được kỳ vọng của họ.
Trước đây Phí Cẩn từng mê chụp ảnh một thời gian. Tôi nhờ cậu ấy chụp vài tấm ảnh đời thường để dự thi. Cậu ấy chụp được vài tấm rồi bỏ máy xuống, nói: “Cậu có biết chụp ảnh là gì không? Ai mà tạo dáng đơ cứng thế kia?”
Cuối cùng, tôi chỉ chọn được một tấm tạm dùng, in ra và dán lên hồ sơ của mình.
Kết quả không ngoài dự đoán, tôi bị loại.
Nhưng Lâm Chi Chu thì lại để tôi tùy ý.
Là thật sự tùy ý.
Dáng nào cũng được, biểu cảm nào cũng xong.
Anh ấy bảo tôi hãy tưởng tượng ra khung cảnh khiến mình thoải mái nhất, hoặc chỉ là cảm xúc mà tôi muốn thể hiện vào lúc đó.
Chỉ khi tôi do dự, bối rối, từ sau máy ảnh, anh ấy sẽ thò đầu ra nhìn tôi, ánh mắt dịu dàng với nụ cười như một chú cún.
Khoảnh khắc đó, tôi bỗng nhớ về chú Samoyed mình từng nuôi khi còn nhỏ, và rồi cảm thấy thư thái hẳn.
11
Chụp xong, Diệp Sơ bắt đầu đuổi khéo.
Lâm Chi Chu rên rỉ: “Chị à, có đuổi lừa cũng phải cho lừa uống nước chứ!”
Rồi anh ấy nhìn tôi, cười để lộ chiếc răng khểnh, đôi mắt cún con như có sao lấp lánh: “Chị ơi, em đã chụp ảnh cho chị cả buổi chiều rồi, không mời em uống gì sao?”
Diệp Sơ đánh nhẹ vào anh ấy: “Quan Quan chỉ lớn hơn em có vài tháng, còn gọi người ta là chị!”
Nhìn những giọt mồ hôi trên trán anh ấy, tôi thấy có chút ngại vì đã “lợi dụng” sức trẻ của anh mà không trả công, nên vội vàng gọi đồ uống.
Khi rời đi, Diệp Sơ và chị trang điểm đang mải thảo luận về ảnh, không ai để ý đến chúng tôi, Lâm Chi Chu đột nhiên ghé sát tai tôi nói: “Quan Quan gọi món em thích nhất là nước cốt bưởi. Thích quá, cảm ơn Quan Quan.”
Tôi suýt sặc trà sữa, vội lùi lại một bước, xua tay nói không cần khách sáo, nhưng mặt thì đỏ bừng.
12
Ban đầu tôi nghĩ Lâm Chi Chu chỉ là được gọi đến hỗ trợ tạm thời, nhưng mỗi lần chụp ảnh sau đó đều là anh ấy phụ trách.
Tôi hỏi sao lần nào anh ấy cũng đến, không phải đi học à. Anh ấy nở nụ cười như thiên thần, giống hệt một chú Samoyed, nhìn tôi và nói: “Chỗ chị Sơ có thể kiếm thêm thu nhập.” Trông anh ấy thật hài lòng với công việc tạm thời này.
Tôi rất bối rối, vì Diệp Sơ rõ ràng chẳng trả cho anh một xu, thế anh kiếm được gì chứ?
Sau này, tôi còn phát hiện ra rằng làm công việc này, Lâm Chi Chu không chỉ không có tiền, mà còn phải bỏ tiền túi. Mỗi lần đến, anh ấy đều mang theo rất nhiều đồ ăn vặt, trong đó luôn có món tôi thích.
Một lần trong lúc nghỉ ngơi trên sân thượng, tôi ăn miếng xôi gà nếp, nóng quá nên phải há miệng thổi hơi ra.
Lâm Chi Chu bất ngờ đưa tay lại gần, dùng khăn giấy lau hạt nếp dính ở khóe miệng tôi, rồi cười bảo: “Quan Quan trông như một đứa trẻ vậy.”
Tôi hơi ngượng, giả vờ tức giận: “Em biết chị lớn hơn em không?”
Lâm Chi Chu vừa gật đầu vừa bóc lá nếp bọc xôi, gật gù: “Biết, biết, Quan Quan là chị.”
Rồi anh ấy thổi cho xôi nguội bớt và đưa đến trước miệng tôi: “Vậy Quan Quan chị gái đừng để bị bỏng nữa nhé?”
Tôi vội cầm miếng xôi gà.
Cậu em trai này, thật sự rất biết cách làm người khác cảm động.
13
Tôi có một người bạn từng nói, giai đoạn đẹp nhất của tình yêu là khi mới chớm nở.
Lúc đó, mỗi cử chỉ, mỗi ánh mắt đều mang một sự ngọt ngào ngầm hiểu.
Tôi đã không hiểu.
Vì suốt hai mươi năm hạn hẹp của mình, tôi chỉ xoay quanh Phí Cẩn. Nhận thức và mường tượng của tôi về tình yêu, dường như chỉ là bóng lưng của Phí Cẩn.
Còn cách mà tôi quen thuộc, là việc tôi không ngừng đối xử tốt với cậu ấy, hy vọng một ngày nào đó, cậu ấy sẽ quay lại nhìn tôi.
Tình cảm mà tôi thậm chí không thể gọi là tình yêu ấy, chỉ toàn sự nhẫn nhịn, tổn thương và rối ren.
Và bây giờ, tôi đã hiểu cảm giác mà người bạn ấy nói đến rồi.
Sau khi quen Lâm Chi Chu, tôi mới nhận ra rằng, một chàng trai cũng có thể tinh tế đến thế.
Tôi cứ nghĩ rằng mình đã quá quen với việc được “rèn luyện” bởi Phí Cẩn rồi, nhưng Lâm Chi Chu còn tinh tế hơn nhiều. Anh ấy có thể nhạy bén nhận ra sự thay đổi trong tâm trạng của tôi ngay cả trước khi tôi biết mình đến kỳ, chuẩn bị sẵn túi sưởi và trà gừng táo đỏ trước khi tôi cảm thấy khó chịu, và lập tức điều chỉnh kế hoạch chụp ảnh.
Tháng trước, vào đúng thời điểm này, tôi còn đang cố gắng chịu đựng cơn đau kỳ kinh, xếp hàng suốt hai giờ đồng hồ mua trà sữa nổi tiếng cho Phí Cẩn và hoa khôi.
Thật ra tôi có thể cố chịu đựng để hoàn thành buổi chụp chiều nay.
Nhưng con người là vậy đấy, khi không có gì, họ có thể mạnh mẽ vượt qua mọi thứ. Nhưng một khi nhận được chút quan tâm, họ lại dễ dàng trở nên yếu mềm.
Tôi áp túi sưởi mà Lâm Chi Chu đã chuẩn bị lên người, đắp chiếc chăn anh ấy đưa cho, chuẩn bị uống trà thì điện thoại vang lên.
Là Phí Cẩn.
Tôi nhấn nút nghe nhưng không nói gì, đầu dây bên kia im lặng vài giây, rồi giọng Phí Cẩn vang lên, hỏi: “Tại sao không nói gì?”
Tôi không trả lời.
Cậu ấy lại lên tiếng, và tôi có thể tưởng tượng ra vẻ mặt bực bội của cậu ấy ở đầu dây bên kia: “Nếu là vì chuyện ở buổi tiệc chào đón, thì tớ có thể…”
Tôi ngắt lời: “Chuyện đó qua rồi, Phí Cẩn. Cậu—”
Tôi có chút hận bản thân vì dù đến giờ, khi nghe giọng cậu ấy, tôi vẫn có phản xạ muốn giải thích, thậm chí xin lỗi.
Hít một hơi thật sâu, tôi nói: “Cậu không cần liên lạc với tớ nữa.”
Đầu dây bên kia im lặng, rồi cậu ấy đáp: “Chiều nay, sau tiết học chung, đợi tớ ở sân bóng rổ.”
Tôi tưởng cậu ấy sẽ cúp máy ngay, nhưng cậu ấy lại nói thêm: “Tow có chuyện muốn nói với cậu.”
Không đợi tôi phản ứng, cậu ấy đã tắt máy.
Lâm Chi Chu đi đến bên tôi, nhìn nét mặt tôi rồi lo lắng đưa tay lên trán tôi, thắc mắc: “Chị bị sốt à?”
Dường như không yên tâm với cách kiểm tra bằng tay, anh ấy rút tay về rồi ghé trán mình vào trán tôi. Tôi chột dạ, lùi lại một bước, tránh ánh mắt anh ấy: “Không sốt, không sao đâu.”
Vì tâm trạng rối bời, tôi đã không để ý đến vẻ mặt của Lâm Chi Chu.